ĐAU MỎI CỔ, VAI GÁY- NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Triệu chứng đau cổ là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống hiện nay do đặc thù
các công việc yêu cầu tập trung cao và ngồi lâu ở tư thế xấu gây ảnh hưởng đến cột sống cổ. Nguyên nhân gây nên các bệnh lý về cổ thường do lão hóa của tuổi già, người trẻ thường do hạn chế vận độnghoặc do vận động quá mức như tai nạn khi chơi thể thao, tai nạn sinh hoạt.
Các bệnh lý thường gặp ở cổ như:
- Thoái hóa cột sống cổ
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
- Xẹp đốt sống cổ do lão hóa, loãng xương
- Chấn thương cổ do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay chơi thể thao,…
- Căng cơ gây đau cổ do sai tư thế khi ngủ hay do làm việc lâu, kéo dài không vận động cổ.
- Các bệnh nhiễm trùng vùng hầu họng làm sưng hạch bạch huyết gây đau cổ
- Các bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh: viêm tủy cổ, viêm màng não gây cứng cổ
- Khối u cột sống
- Lao cột sống
Các triệu chứng thường gặp kèm theo: bệnh nhân đau cổ ngoài triệu chứng đau nhức, mỏi cổ còn có thể kèm theo một hay nhiều các triệu chứng khác như:
- Đau đầu: đôi khi đau cổ gây nên kích thích dây thần kinh nối với đầu gây nên đau đầu, thường là đau vùng chẩm.
- Đau nhói cổ: đau như kim châm và thường đau cục bộ.
- Cứng cổ: biểu hiện khó vận động cổ, đau khi vận động cổ đặc biệt là khi xoay đầu từ bên này sang bên kia.
- Đau cổ họng
- Đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh:đau cổ lan ra vai, dọc xuống cánh tay, cẳng tay và thường gặp một bên.
- Tê tay, ngứa ran ở tay
- Tay yếu, khó cầm nắm, nâng đỡ vật, …
- Sốt: đau cổ hay cứng cổ kèm biểu hiện sốt thường gặp trong bệnh cảnh nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương: tủy sống, não, màng não.
Những trường hợp dễ gây đau cổ:
- Các trường hợp tư thế xấu: có thể xảy ra khi làm việc, học tập, giải trí như xem TV, sử dụng máy tính, nhắn tin điện thoại, ngồi tàu xe, đọc sách, làm việc nông, … không giữ cổ đúng tư thế trong thời gian dài.
- Do ngủ sai tư thế: sau một đêm ngủ dậy có thể thấy cổ đau mỏi nhiều do một đêm ngủ cổ không được thoải mái gây nên căng cơ, nếu kéo dài gây nên bệnh
- Các nghề nghiệp phải giữ cổ ở một tư thế kéo dài: quân nhân tham gia huấn luyện, chiến đấu; nhân viên y tế: làm thủ thuật, phẫu thuật thời gian dài; nhân viên lắp đặt, bảo trì, …
Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán nguyên nhân gây nên đau cổ của bệnh nhân?
- Hỏi và khám bệnh: bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của các triệu chứng từ khi bắt đầu đến thời điểm hiện tại như: vị trí đau, cường độ đau, thời gian đau, các triệu chứng khác kèm theo, … cùng với đó bác sĩ sẽ khám lâm sàng để cố định hướng ban đầu về nguyên nhân.
- Các chẩnđoán cận lâm sàng:
- Chụp cộng hưởng từ: là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, đánh giá chi tiết, rõ ràng và đầy đủ nhất về cột sống cổ bao gồm cả xương, dây thần kinh, đĩa đệm, dây chằng, phần mềm cạnh cột sống, …
(hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên phim cộng hưởng từ)
- Chụp X- Quang, cắt lớp vi tính (CT): đánh giá được đường cong sinh lý, xương cột sống cổ.
- Các xét nghiệm khác kèm theo: tùy theo từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể đưa ra các xét nghiệm máu hay điện cơ khi cần thiết để phục vụ chẩn đoán.
Điều trị triệu chứng đau cổ như thế nào?
Tùy vào từng nguyên nhân gây đau cổ mà bác sĩ sẽ định hướng các phương pháp điều trị khác nhau. Có thể dùng các phương pháp:
- Ngoại khoa phẫu thuật.
- Nội khoa điều trị thuốc: các thuốc hay được sử dụng như giảm đau, giãn cơ, gây tê, …
- Các phương pháp vật lý trị liệu, các bài tập phục hồi chức năng: nghỉ ngơi, thư giãn cổ bằng phương pháp nóng, lạnh; điều trị bằng siêu âm, mát-xa, kéo giãn, …
Cũng có thể phối hợp nhiều phương pháp theo từng giai đoạn.
Để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất bệnh nhân cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải thích và chọn được phương pháp điều trị thích hợp, đạt hiểu quả cao cho cá nhân mình.