Suy giảm trí nhớ là hiện tượng thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên biểu hiện giảm trí nhớ có thể gặp trong các chấn thương hoặc bệnh lý của não bộ.
Suy giảm trí nhớ có thể chỉ là mất trí nhớ tạm thời, đó là tạm quên một vật, sự việc nào đó trong thời gian ngắn, sau đó sẽ tự nhớ lại. Nhưng cũng có thể mất trí nhớ nặng hơn, không tự mất đi, kéo dài và tăng dần theo thời gian.
Các biểu hiện nhận biết chứng suy giảm, mất trí nhớ:
- Liên tục hỏi các câu hỏi giống nhau hay tương tự nhau
- Thường quên những từ ngữ thông dụng khi nói
- Lẫn lộn khi dùng từ ngữ diễn đạt ý, gọi tên vật dụng này bằng tên của vật dụng khác
- Tốn nhiều thời gian hơn bình thường để làm các công việc đã quen thuộc từ trước.
- Để các đồ vật ở nơi không liên quan, không thích hợp
- Bị lạc khi đi lại ở khu vực quen thuộc
- Thay đổi trong hành vi, suy nghĩ mà không lý giải được.
Các nguyên nhân thường gặp gây giảm, mất trí nhớ:
- Quá trình lão hóa thông thường: hay gây khó tiếp thu hoặc mất nhiều thời gian hơn để tiếp nhận những điều mới mẻ. Thường là đãng trí ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
- Suy giảm trí nhớ nhiều hay mất trí nhớ thường liên quan đến các vấn đề bệnh lý thực thể, thường gặp như:
- U não
- Do tai biến mạch máu não: nhồi máu não hay xuất huyết não
- Ảnh hưởng từ việc điều trị ung thư: tia xạ, hóa chất, …
- Do chấn thương vùng đầu
- Thiếu oxy lên não do thiếu máu lên não hoặc thiếu sự trao đổi oxy của cơ thể.
- Do viêm não
- Do mất ngủ
- Các bệnh lý về tâm thần cũng gây nên các biểu hiện mất trí nhớ:
- Sang chấn tâm lý mạnh hoặc căng thẳng kéo dài gây loạn thần
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
- Trầm cảm
- Tâm thần phân liệt
- Các nguyên nhân khác có thể gặp: Các bệnh gây tổn thương nhu mô não hay các tế bào thần kinh như: Alzheimer, Parkinson, đa xơ cứng, …
- Hậu quả của nghiện rượu, nghiện ma túy
- Dùng một số thuốc cần kê đơn không theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc ngủ
- Động kinh không kiểm soát được
- Thiếu chất dinh dưỡng, vitamin như Vitamin B1, B12
Chẩn đoán nguyên nhân gây suy giảm, mất trí nhớ:
Khi có các biểu hiện của chứng giảm, mất trí nhớ nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám xác định nguyên nhân gây nên biểu hiện trên.
Các câu hỏi bác sĩ có thể đưa ra như:
- Biểu hiện có vấn đề về trí nhớ bắt đầu từ khi nào?
- Đã từng dùng những loại thuốc nào, kể cả tự ý mua hoặc được kê đơn, uống theo liều nào?
- Có bị tai nạn, chấn thương hay ngã liên quan đến đầu không?
- Có mắc bệnh lý gì không, kể cả các bệnh lý không thuộc não?
- Có căng thẳng, lo lắng hay buồn chán vấn đề gì không?
Ngoài khám bệnh, hỏi bệnh lâm sàng, bác sĩ cần các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng để định hướng hoặc loại trừ các nguyên nhân:
- Thử nghiệm các bài kiểm tra bằng cách trả lời các câu hỏi
- Chụp cộng hưởng từ: đánh giá cấu trúc nhu mô não, sọ não phát hiện các bất thường: thoái hóa chất trắng, u não, …
- Điện não đồ: đánh giá chức năng não bộ
- Xét nghiệm máu: đánh giá, phát hiện các bất thường trong cơ thể
Tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị suy giảm trí nhớ:
Có nhiều trường hợp cố giấu đi tình trạng giảm trí nhớ của mình với người thân, bạn bè và tự thích nghi với tình trạng đó. Việc được chẩn đoán giảm, mất trí nhớ sớm là quan trọng để được ra hướng điều trị cũng như hỗ trợ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống:
- Điều trị, giảm tiến triển của bệnh
- Làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân và người nhà hiểu đúng và đủ về bệnh
- Xác định được hướng chăm sóc và cuộc sống trong tương lai của bệnh nhân
Để tránh tình trạng mất trí nhớ nặng nề, khó can thiệp để duy trì được chất lượng cuộc sống tốt cho bệnh nhân, cần đưa người có biểu hiện suy giảm trí nhớ đến gặp các chuyên gia về thần kinh, trí nhớ để thăm khám và can thiệp kịp thời.